Tin mới nhất
xuat-khau-ca-ngu
Trong số 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam, có tới hơn một nửa số...
xuat-khau-da-quy
Trong các thị trường nhập khẩu đá quý và kim loại quý của Việt Nam chín...
gao-nhap-khau
Đề xuất tăng thuế đối với gạo nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Philippines đã không được...

Kinh Đô tiếp tục mua, đầu tư vào những công ty khác

Sau 20 năm hoạt động, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) định hướng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) để tìm cơ hội đầu tư vào những công ty hoạt động trong lĩnh vực bánh kẹo và thực phẩm, đồng thời lên kế hoạch phát triển ở thị trường quốc tế.
kinh-do
Thông tin này được ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC, cho biết tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty vào ngày 16-12.

20 năm qua hoạt động kinh doanh KDC gắn liền với những thương vụ M&A, liên doanh, hợp tác trong và ngoài nước để phát triển. Theo ông Nguyên, chiến lược phát triển sắp tới của công ty vẫn tiếp tục chọn M&A nhằm giảm bớt thời gian đầu tư và tận dụng những nguồn lực sẵn có để phát triển ngành hàng cốt lõi của công ty cũng như mở rộng ngành hàng thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Mặc dù trong thời gian qua hoạt động M&A của công ty cũng có những thương vụ không như mong đợi, nhưng theo ông Nguyên hoạt động này có được nhiều thành công hơn là thất bại. Bên cạnh tăng quy mô, thông qua M&A Kinh Đô đã đa dạng được sản phẩm một cách nhanh chóng. Nhờ đó mà công ty cũng phần nào thoát khỏi kinh doanh dựa vào yếu tố mùa vụ.

Để gia tăng tốc độ tăng trưởng, ngoài những sản phẩm truyền thống, Kinh Đô sẽ tiếp tục thâm nhập và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor).

Chiến lược này nhằm mục đích mở rộng chuỗi sản phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu của mọi người và tăng thêm sự hiện diện sản phẩm Kinh Đô trong đời sống người dân. Những sản phẩm mà Kinh Đô đang mở rộng sản xuất gồm mì gói, dầu ăn, nước chấm cùng các sản phẩm thực phẩm khác.

Chiến lược mở rộng sản phẩm ở giai đoạn đầu này của Kinh Đô là không xây dựng nhà máy mà chỉ hợp tác với các đối tác chiến lược để gia công sản phẩm nhưng mang thương hiệu Kinh Đô. Ngoài ra, Kinh Đô sẽ tiếp tục thực hiện cơ hội qua hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A). Theo ông Nguyên, khả năng các sản phẩm mì gói, dầu ăn của Kinh Đô sẽ được đưa ra thị trường vào đầu năm 2014.

Ông Nguyên cho rằng bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm trong ngành kinh doanh cốt lõi thì hướng ra thị trường quốc tế được xem là lối đi quan trọng để công ty có thể tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới. Để đẩy mạnh thị trường quốc tế, ông Nguyên cho biết Kinh Đô đang thương thảo hợp tác với các công ty nước ngoài để đưa sản phẩm Kinh Đô ra thị trường quốc tế; đồng thời công ty lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở nước ngoài.

Từ một cơ sở nhỏ ban đầu với 70 lao động, sau 20 năm phát triển Kinh Đô đã vươn lên thành tập đoàn với 5 công ty thành viên, 4 nhà máy chuyên ngành bánh kẹo, kem, sữa và các sản phẩm từ sữa. Doanh thu năm 2013 của KDC dự kiến đạt trên 5.000 tỉ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 600 tỉ đồng.

Kỷ niệm 20 năm thành lập, KDC được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhì. Dịp này, hai thành viên sáng lập KDC là ông Trần Kim Thành và ông Trần Lệ Nguyên cũng được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba. Dịp này KDC cũng trao tặng 2 tỉ đồng cho các tổ chức xã hội.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn

Ngày đăng: 04/04/2014 09:24:39
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
«   12  »