Tin mới nhất
xuat-khau-ca-ngu
Trong số 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam, có tới hơn một nửa số...
xuat-khau-da-quy
Trong các thị trường nhập khẩu đá quý và kim loại quý của Việt Nam chín...
gao-nhap-khau
Đề xuất tăng thuế đối với gạo nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Philippines đã không được...

Kinh tế TP.HCM với những thách thức trong năm 2014

Bước vào năm 2014, xác định kinh tế còn nhiều khó khăn, TP HCM đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9,5-10%.
thaothuc
#

Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,3%, không thực hiện được chỉ tiêu đề ra nhưng đã cao gấp 1,7 lần mức tăng bình quân của cả nước. Điều này cho thấy, trong tình hình khó khăn chung, thành phố đã rất nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Bước vào năm 2014, xác định kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%, gấp hơn 1,5 lần mức bình quân của cả nước. Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố phải tiếp tục cùng lúc thực hiện cả những chính sách lớn và những biện pháp nhỏ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Thái Tuấn Chí, Tổng giám đốc tập đoàn Thái Tuấn cho rằng: dệt may là một trong những ngành trọng tâm được dự báo sẽ bùng nổ với kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD sau hiệp định TPP. Nhưng hiện nay, Thái Tuấn cũng như các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này đang tự tìm hiểu, mày mò về những điều liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo chứ không thể tìm ra nơi đào tạo chính thức.

Câu chuyện của ông Thái Tuấn Chí, cũng là câu chuyện chung của hầu hết các doanh nghiệp ở TPHCM hiện nay, đó là: nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu, được trang bị những kỹ năng liên quan đến một số hiệp định lớn như: TPP, Việt- Nhật. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang rất cần sự tư vấn về tái cấu trúc, về hợp tác, về cạnh tranh... Như vậy, với doanh nghiệp, chỉ cung cấp thông tin thôi chưa đủ, thành phố cần có chiến lược đào tạo nhân lực hiệu quả.

Ông Thái Tuấn Chí kiến nghị: "Thành phố nên lập Trung tâm tư vấn với những chuyên gia giỏi về tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc chiến lược kinh doanh, tư duy đột phá, tư vấn về chiến lược hợp tác trong cạnh tranh, chiến lược nguồn nhân lực nhằm phát huy nội lực và tăng khả năng đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp."

Một lần nữa, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lại được đặt ra, cấp thiết và gay gắt. Và không chỉ lĩnh vực dệt may mà tất cả các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng đang đề ra yêu cầu này. Đây là một trong 6 chương trình đột phá được Đảng bộ thành phố đề ra trong nhiệm kỳ 2011-2015 nhưng chưa có kết quả như mong muốn và cũng là điều phải giải quyết trong năm 2014.

Cùng với nguồn nhân lực, vốn và thị trường vẫn là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, của kinh tế thành phố. Năm 2014, thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt trong việc giải quyết vốn cho doanh nghiệp với chủ trương là: doanh nghiệp nào đã có thị trường, có đầu ra thì nhất thiết không để thiếu vốn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Muốn như thế thì các tổ chức tài chính phải vào cuộc một cách tích cực hơn. Năm qua, các ngân hàng thương mại đã được thành phố hỗ trợ rất nhiều để trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Bây giờ là lúc các ngân hàng phải cùng thành phố lành mạnh hóa hoạt động tài chính, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2013, thành phố đã triển khai kết nối ngân hàng với doanh nghiệp ở 24 quận - huyện với 13 ngàn tỷ đồng cho 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ vay ưu đãi.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với thành phố Hồ Chí Minh, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp triển khai rất tích cực, phủ rộng từ thành phố đến cấp quận huyện và không chỉ dừng lại ở ngân hàng với doanh nghiệp mà hỗ trợ vốn đến cả với tiểu thương chợ truyền thống. Chúng tôi đã kết nối ngân hàng Sacombank với tiểu thương chợ truyền thống, năm vừa rồi gói hỗ trợ là 1 ngàn tỷ và năm 2014 này, ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ 1.500 tỷ."

Thành phố cũng đang chú trọng xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước. Một mặt, các ngành chức năng đẩy mạnh cung cấp thông tin, chủ động khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ trong nước để tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2014 tăng hơn 15% so với năm 2013. Vấn đề đặt ra là không chỉ từng doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, mà chính quyền thành phố cũng phải có động thái tích cực hơn.

Khó khăn về thuế của hàng ngàn doanh nghiệp thời gian qua cũng sẽ được thành phố xem xét hỗ trợ, kiến nghị thêm chính sách miễn giảm với mong muốn doanh nghiệp sẽ dùng khoản tiền đó đầu tư cho sản xuất. Thành phố sẽ phát huy tối đa nguồn thu từ đất đai để đảm bảo thu ngân sách, đầu tư cho phát triển.

Nguồn lực cho kinh tế thành phố còn nằm ở chỗ phải tận dụng tối đa vốn ODA và bằng năng lực, uy tín, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này thời gian qua để thu hút thêm. Bên cạnh đó, vốn kích cầu của thành phố cho doanh nghiệp cũng sẽ được tăng cường.

Năm 2013, chương trình kích cầu của thành phố đã giải ngân 3.192 tỷ đồng cho 90 dự án. Năm 2014, vốn kích cầu của thành phố sẽ tập trung cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin. Ở từng ngành một, phải đặc biệt quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo: "TP HCM đã có kinh nghiệm nhiều năm trong kích cầu thì bây giờ lại càng phải làm tốt hơn. Tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Chúng ta tạo điều kiện để tăng cường đổi mới thiết bị. Tới giờ này, bóng dáng công nghiệp phụ trợ chưa rõ, đây là cái chúng ta phải rà soát, kiểm điểm. Khó thì kiên quyết làm, làm cho bằng được. Chúng ta phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng."

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chất lượng của sự tăng trưởng phần lớn nằm ở sự phát triển của các doanh nghiệp. Thực tế đặt ra cho thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là phải có chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, chất lượng nhân lực và khoa học công nghệ.

Tất cả phải được giải quyết vừa nhanh chóng, vừa có tính căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững. Năm 2014 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đề ra. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo và quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đầy nền kinh tế vượt qua thách thức, đảm bảo sự tăng trưởng hợp lý./.

Nguồn: http://finance.tvsi.com.vn

Ngày đăng: 04/04/2014 09:19:20
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
«   12  »